Theo bạn Hoàng Ngọc Quỳnh, đạt 8.5 IELTS Speaking, cho rằng người học cần áp dụng một số kỹ thuật ghi nhớ thông tin, tận dụng sơ đồ tư duy để nhớ từ mới tốt hơn.
Từ vựng là yếu tố quyết định cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của việc học ngoại ngữ. Tuy nhiên, hầu hết người học tiếng Anh đều cảm thấy khó nhớ từ mới, học nhiều từ nhưng không sử dụng được rồi lại quên. Dưới đây là những cách ghi nhớ và sử dụng từ vựng tiếng Anh mà mình thấy hiệu quả.
Đừng ghi chép một cách khô khan
Ghi chép các từ để ôn tập là điều cần thiết, nhưng cố gắng ghi nhớ một danh sách dài các từ mới với nghĩa tiếng Việt là cách học khô khan, khiến bạn nhanh chóng nản chí. Hãy biến sổ tay từ vựng của bạn trở thành nơi nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo và niềm yêu thích tiếng Anh.
Bạn có thể sử dụng bút nhiều màu sắc, vẽ các hình minh họa đơn giản hoặc bản đồ tư duy bên cạnh các từ mới học để làm cho chúng trở nên sống động. Mỗi trang chỉ nên chứa một vài từ hoặc cụm từ, dành chỗ cho hình ảnh, câu ví dụ và những ý tưởng tuyệt vời.
Học từ mới thông qua ngữ cảnh
Học từ ngoài ngữ cảnh khiến bạn hay quên và khó áp dụng. Vì vậy, bạn nên học từ trong ngữ cảnh của từ thông qua các hoạt động nghe, xem và đọc bằng tiếng Anh. Ban đầu, bạn sẽ cảm thấy khó khăn khi học từ qua ngữ cảnh, nhưng đây là cách tốt nhất để nhớ từ mới một cách hiệu quả.
Nhìn chung, trong giai đoạn đầu, bạn nên học những từ và cụm từ đơn giản, thông qua video, thẻ từ vựng, từ điển hình ảnh, ghi nhớ từ,… Ở giai đoạn sau, khi vốn từ vựng đã mở rộng hơn, bạn có thể tập trung hơn vào nghe và đọc để nâng cao vốn từ vựng thông qua ngữ cảnh.
Sử dụng kỹ thuật ghi nhớ thông tin
Để có thể nhớ từ mới một cách dễ dàng và không bị quên nhanh chóng, bạn không nên chỉ tra từ điển để biết nghĩa tiếng Việt rồi dừng lại ở đó. Thay vào đó, hãy dành vài phút vận dụng trí tưởng tượng của bạn để ghi nhớ một cách “sâu sắc” một từ mới, đặc biệt là những từ dài, theo cách sau:
(1) Chia một từ ra thành các phần nhỏ, mỗi phần đọc to lên để liên tưởng với một từ tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đã biết).
(2) Liên tưởng với các hình ảnh có liên quan, rồi kết nối chúng với nhau tạo thành một câu chuyện nhỏ ngớ ngẩn hoặc hài hước. Câu chuyện càng “crazy” (điên rồ), “funny” (thú vị) bạn sẽ càng nhớ từ lâu hơn. Ví dụ:
Với từ “museum” (bảo tàng), phát âm tiếng Việt “mìu-dí-ừm”. Hãy tưởng tượng bạn cầm hộp sữa (milk, phát âm tương tự “mìu”) vào viện bảo tàng, “dí” mũi vào vật trưng bày và gật gù “ừm ừm”. Hình ảnh hài hước này giúp bạn nhớ cả nghĩa và cách phát âm từ “museum”.
Liên kết âm thanh, hình ảnh và chuyển động với ý nghĩa và cách phát âm của từ
Với nhiều từ vựng đơn giản khác, bạn có thể tưởng tượng ra hình ảnh, âm thanh, chuyển động trong khi đọc to. Bạn nên sử dụng các trang từ điển có âm thanh để xem nghĩa, phiên âm và nghe âm thanh. Với mỗi từ mới, bạn đừng đọc lướt mà hãy đọc theo đoạn audio khoảng 10 – 20 lần, khi đọc bạn tưởng tượng ra hình ảnh liên quan đến từ đó.
Ví dụ: với các động từ “cut” (cắt), “run” (chạy),”fall” (rơi), “fly” (bay), “approach” (tiến lại), “expand” (mở rộng)…, bạn vừa đọc vừa tưởng tượng hình ảnh, âm thanh và chuyển động trong đầu trong lúc miệng đọc to theo audio.
Với các tính từ như “happy” (hạnh phúc), “sad” (buồn), “bored” (chán), “crazy” (điên rồ), “intelligent” (thông minh), “extraordinary” (bất thường)…, bạn có thể tưởng tượng ra một nét mặt cùng trạng thái cảm xúc đi kèm. Tương tự, hầu hết mọi từ mới đều có thể được liên kết với một hình ảnh. Hãy dừng lại một chút, sử dụng sự sáng tạo của bạn để liên tưởng và ghi nhớ các từ mới thay vì chỉ đọc lướt.
Học từ vựng qua hình ảnh, thẻ từ, sơ đồ tư duy
Bạn cũng nên tận dụng Internet để học từ qua hình ảnh một cách hiệu quả. Khi học một từ mới, hãy thử Google nó và bạn có thể tìm thấy hàng nghìn hình ảnh liên quan để giúp bạn dễ nhớ từ đó hơn. Bạn cũng có thể kết hợp hình ảnh và âm thanh để có hiệu quả học tập tốt nhất. Hãy thử lên Youtube và gõ từ khóa “học từ vựng tiếng Anh bằng hình ảnh”, bạn sẽ thấy rất nhiều video bổ ích.
TẶNG MÃ GIẢM GIÁ 40% TẤT CẢ CÁC KHÓA HỌC TRÊN UNICA
|
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự làm flashcard (flashcard: một mặt ghi từ mới và phiên âm, mặt còn lại ghi nghĩa và hình ảnh) với những từ mới học, giúp việc học trở nên thú vị. Nếu bạn là người thích sáng tạo, bạn cũng có thể học và ôn lại từ vựng bằng sơ đồ tư duy. Sơ đồ tư duy đơn giản bao gồm một chủ đề chính ở trọng tâm, từ đó các ý tưởng nhỏ phát triển theo các nhánh, có hình ảnh minh họa sinh động dễ nhớ.
Học qua các từ đồng nghĩa và trái nghĩa
Trong khi học từ mới, học cả từ đồng nghĩa và trái nghĩa với nó sẽ giúp bạn nhớ nhiều từ cùng một lúc. Powerthesaurus hay thesaurus là 2 trang tra cứu từ đồng nghĩa và trái nghĩa khá tốt, bạn có thể tham khảo khi cần.
Nếu bạn đặt mục tiêu học kỹ 5-10 từ mới mỗi ngày, sau một năm bạn sẽ tích lũy được 2.500 từ. Vì vậy, bạn đừng vội học nhiều từ rồi nhanh quên, chán nản và từ bỏ việc học tiếng Anh.